M – The Most Powerful Letter in the World (M – Chữ cái uy lực nhất thế giới)
Đó là một câu thường được dùng bởi BMW M – dòng sản phẩm đậm chất thể thao, của một hãng BMW vốn đã cá tính và thể thao. Vừa là một câu slogan dạng “chơi chữ”, nhưng cũng như là một lời cam kết của M Divison dành cho những tín đồ của xe thể thao, rằng họ chỉ tạo ra những mẫu xe mạnh mẽ nhất, thể thao nhất.
Trải qua lịch sử hơn 47 năm phát triển, cho dù ngành công nghiệp ô tô có nhiều biến động, nhưng có lẽ ít khi BMW M làm các fan thất vọng, nếu không muốn nói là chưa bao giờ.
Ngày nay, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều khái niệm có liên quan đến chữ “M”, như: M-Sport Package, M Performance Parts, M Performance Automobiles, hay chỉ đơn giản là M. Trong bài viết này, dưới một góc độ giới hạn của sự hiểu biết, thì mình sẽ phân biệt và giải thích kĩ hơn các khái niệm này để các bạn nắm rõ hơn và chúng ta có thể bàn luận nếu còn thắc mắc.
Lịch sử của BMW M
Mặc dù một phần lịch sử của thương hiệu BMW, từ rất xa xưa, đã gắn liền với những giải đua xe, nhưng phải đến tận năm 1972, BMW mới có một nhánh riêng có tên “BMW Motorsport GmbH”, với 35 nhân viên.
Sản phẩm đầu tay của BMW Motorsport là mẫu xe 2002 Turbo, ra đời năm 1974, nhưng mẫu xe đầu tiên mang trên mình chữ “M”, lại là mẫu siêu xe M1 với động cơ 6 xy lanh đặt sau, dành riêng cho những đường đua, và mẫu M535i 1980, phiên bản hiệu suất cao của mẫu 5 Series thông thường.
Không chỉ sản xuất xe, BMW M còn cung cấp động cơ cho các giải đua lớn, ví dụ như động cơ V12, dung tích 6.1 Lít dùng trong chiếc McLaren F1 đã có rất nhiều thành công, và thậm chí đã chiến thắng giải 24 Hours of Le Mans năm 1995.
BMW M hiện nay
BMW đã có phiên bản M “thực thụ” cho hầu hết các mẫu xe hiện nay, bao gồm:
- BMW 1M, M2, M3, M4, M5, M6, M8
- BMW X3M, X4M, X5M, X6M
- BMW Z3M, Z4M
Chỉ có những mẫu 1 Series hathback, 7 Seres, X1 và X2 là hiện chưa có phiên bản M. Đặc biệt, với dòng 7 Series, đã từng có nhiều đồn đoán rằng BMW sẽ sản xuất mẫu M7, nhưng đến nay vẫn chưa từng thành hiện thực. Có vẻ như BMW M không muốn chiếc sedan hạng sang, nặng nề này “cố gượng ép” thành một chiếc M7. Thay vào đó, BMW đã làm phiên bản 760 với động cơ V12, hoặc Alpina có sản xuất ra chiếc B7 BiTurbo xDrive, có thể nói là gần tương đương một mẫu M. Nhưng dù gì đi chăng nữa, “gần tương đương” vẫn không thể là một mẫu M thực thụ.
Một điều nữa đáng bàn ở đây, đó là việc sự bảo thủ của BMW M đã khiến họ KHÔNG sản xuất mẫu xe high-performance cho TẤT CẢ các dòng xe của mình. Điều này hoàn toàn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, ví dụ như Mercedes-Benz – hãng đã sản xuất hầu như mọi phiên bản AMG cho các dòng xe, kể cả dòng hạng sang S-Class hay GLS.
Theo như những gì Ban lãnh đạo của BMW M cho biết, thì họ chỉ sản xuất những chiếc xe hiệu năng cao thực thụ khi cảm thấy nó phù hợp, chứ không hề gượng ép để cố tạo ra những mẫu xe “nửa này nửa kia”.
Với tinh thần đó, với lịch sử gần 50 năm qua, logo “M” với ba sọc màu nổi bật đã có một vị trí nổi trội trong làng Motorsport toàn thế giới. Những mẫu xe như BMW M3 hay M5 luôn là tượng đài về performance để các hãng xe khác lấy làm mục tiêu “lật đổ”. Nhưng, có vẻ như đến nay vẫn chưa hãng xe nào thành công trong việc này, và giới mê xe toàn cầu vẫn luôn háo hức mỗi khi BMW M giới thiệu các mẫu xe mới.
Để nhận biết tên gọi của một chiếc BMW M, rất đơn giản: tên nó là M3, M4, M5, M6, M8 với các series thường, và X3M, X4M, X5M, X6M, Z3M, Z4M với các mẫu còn lại.
Chỉ duy nhất 1 trường hợp là mẫu BMW 1M Coupe thế hệ E82 có tên gọi nghe có vẻ bị “ngược” so với các anh chị của nó. Lý do là BMW muốn giữ cái tên M1 cho mẫu siêu xe của hãng, điều này không chỉ mang tính lịch sử mà còn mang tính tinh thần rất cao. Và rất có thể trong tương lai sẽ có một mẫu M1 được sản xuất, lúc đó nó sẽ là siêu xe “khủng” nhất của BMW. Và điều thú vị hơn là, chiếc 1M Coupe không có logo “1M” mà chỉ có logo M ở phía sau xe. (Khổ thân em út của gia đình M, ai bảo đụng với ông lớn M1 làm gì )
M Sport Package – gia vị thêm cho những chiếc xe BMW
Trên những mẫu BMW đại trà, bạn sẽ rất thường xuyên bắt gặp những tên gọi như “M Sport Package” hay “M-Tech”. Đây là một gói trang bị dành cho các mẫu BMW thường để nâng chiếc xe lên một tầm thể thao hơn. Có vẻ như không phải ai cũng đủ điều kiện để sở hữu một chiếc BMW M đắt tiền, nên đó là lí do BMW mang chữ “M” đến với những model đại trà bằng cái tên M-Sport.
Các trang thiết bị lắp thêm của M-Sport Package có thể kể đến như:
- Cản trước, cản sau
- Vành, phanh
- Chi tiết nội thất, ví dụ: chất liệu da, đường chỉ thêu, vật liệu ốp, nẹp chân cửa, vô lăng, dây an toàn …
- Một số mẫu M-Sport có màu sơn riêng mà phiên bản thường không chọn được, ví dụ như màu Estoril Blue trên BMW 3 Series F30.
- Có thêm logo ///M ở trên một số vị trí của xe
- Can thiệp nhỏ vào hệ thống lái của xe, ví dụ: phuộc, hộp số, hệ thống vi sai …
- …
Về cơ bản, bạn có thể hiểu những chiếc BMW với gói M-Sport Package giống như một người được trang điểm và mặc thêm những bộ quần áo mới. Nhưng về bản chất thì nó vẫn là chiếc xe đó, động cơ đó. Và tất cả các phiên bản của BMW đều có thể trang bị gói M-Sport, kể cả những mẫu thấp như “16i” hay “18i”
Thêm 1 vấn đề nữa với M-Sport Package, đó là người dùng hoàn toàn có thể tự lắp thêm hầu hết các trang bị này nếu như chiếc xe của họ mua chưa có, và việc này rất phổ biến ở Việt Nam, nơi mà mua 1 chiếc xe có sẵn M-Sport từ trong nhà phân phối là điều hiếm có.
Việc mua sắm những bộ bodykit, vành hay phanh, phuộc … hiện nay khá dễ dàng. Và thực chất, nếu bạn muốn chiếc BMW của bạn có gì đó khác biệt, thì ít nhất bạn phải độ lên M-Sport!
M-Performance Automobiles
Với nhu cầu ngày càng cao của giới mê xe, nhưng không phải ai cũng có khả năng mua cho mình một chiếc BMW M thực thụ, mà họ lại không hài lòng với chiếc xe thuộc dạng M-Sport (khách hàng ngày càng khó tính và đòi hỏi nhiều thứ =)) ) thì BMW đã tạo ra một phân khúc ở giữa M-Sport và M, với cái tên “M-Performance Automobiles”.
Nếu như M-Sport Package được thiết kế chủ yếu bởi các nhà thiết kế “phụ kiện”, hay còn gọi là “độ cảnh” thì M-Performance Automobiles được phát triển bởi những kĩ sư thực thụ. Bạn có thể hiểu đơn giản như sau:
- BMW thường: phiên bản cơ bản nhất
- BMW với M-Sport Package: chủ yếu là độ về ngoại hình, không can thiệp nhiều vào hệ thống máy móc và kĩ thuật trên xe
- BMW M-Performance Automobiles: lấy những phụ kiện M-Sport Package, tạo thêm 1 ít khác biệt nữa về ngoại hình, chỉnh sửa nhiều hơn về máy móc và kĩ thuật
- BMW M “thực thụ”: ngoại hình khác hoàn toàn so với M-Sport Package, can thiệp sâu nhất vào máy móc và hệ thống lái.
Với M-Performance Automobiles, các kĩ sư của BMW cho hay: “Lấy ví dụ là độ động cơ hay phuộc, những thứ đó trên các mẫu BMW M-Performance Automobiles không phải là kiểu phụ kiện có thể thích lắp thì lắp, mà nó là một phần của chiếc xe, từ khi được sản xuất.”
Cách đây vài năm, BMW chỉ có vài mẫu M-Performance Automobiles, ví dụ: M550d (dựa trên 5 Series), X5 M50d, X6 M50d. Cả ba mẫu xe này đều được sử dụng động cơ diesel 3.0 Lít nhưng có đến 3 turbo, công suất lên đến 381hp, hệ dẫn động xDrive và hộp số 8 cấp tự động. Những yếu tố này đã giúp tăng sức mạnh của các mẫu xe này lên đáng kể, ví dụ mẫu M550d xDrive chỉ mất 4.7 giây để tăng tốc từ 0-100km/h, trong khi đó mẫu 5 Series mạnh nhất lúc bấy giờ (thế hệ F10) là 550i xDrive với động cơ V8 4.0 Lít, 402hp mà tăng tốc 0-100km/h cũng phải mất đến 4.8 giây.
Đến thế hệ hiện nay, BMW đã mở rộng hơn mảng M-Performance Automobiles của mình, với các mẫu như: M340i, M550i, X2 M35i hay X3 M40i … Và nếu bạn chú ý, thì đây chỉ đơn thuần là các mẫu thay thế cho model cao nhất của từng dòng. M340i tương đương 340i ngày xưa hay X3 M40i tương đương với X3 xDrive35i.
Dù vậy, BMW cũng đang tạo ra những chiếc M-Performance Automobiles với hiệu năng rất cao. Đơn cử như mẫu M340i xDrive hiện nay (thế hệ G20), sử dụng động cơ 6 xy lanh 3.0 Lít, công suất 382hp và tăng tốc từ 0-100km/h chỉ mất 4.3 giây! Con số này là tương đương với M3 thế hệ trước đó (F80) rồi đấy!
Hay một trường hợp khác là mẫu BMW M850i xDrive mới ra mắt, với khả năng tăng tốc từ 0-100km/h chỉ sau 3.7 giây, hơn hẳn so với bản M6 Coupe một thế hệ trước (F13).
Nghe thì rất hấp dẫn, nhưng một sự thật phũ phàng, là bạn sẽ không có nhiều cơ hội gặp những mẫu BMW M-Performance Automobiles này tại Việt Nam, vì giá của nó có thể quá cao! Nếu một chiếc M340i nhập về, giá của nó có thể không kém một chiếc M3 là bao vì cùng sử dụng động cơ 3.0 Lít nên sẽ bị đánh thuế như nhau. Và như vậy thì người dùng có xu hướng mua M3 thay vì M340i, nếu trong trường hợp khoảng cách về giá xe không nhiều. Tất nhiên, đây là những giả định của bản thân mình thôi, vì không ai biết chính xác được M340i hay M3 sắp tới sẽ được bán tại Việt Nam với giá bao nhiêu.
Tuy vậy, những mẫu xe M-Performance Automobiles này chỉ đơn thuần là những chiếc BMW nhanh với ngoại hình bắt mắt, chứ không thể có được những tính chất khác của một mẫu M thực thụ. Bạn có thể xem phần tiếp theo của bài viết để thấy được sự khác biệt này.
BMW M – tượng đài xe Performance của ngành công nghiệp ô tô
Nếu tự mình nó ra, thì chắc không bạn nào tin. Nhưng các bạn có thể xem một số tít bài sau từ những trang báo nổi tiếng thế giới:
Trong làng xe performance, có những cái tên đã trở thành huyền thoại. Có thể kể đến như: BMW M3, M5 hay Porsche 911. Không chỉ vì lịch sử hàng chục năm, mà qua bất kỳ thế hệ nào, những mẫu xe này đều mang trong mình những gì tinh hoa nhất của công nghệ lái, mang lại nhiều cảm xúc nhất và luôn là tượng đài cho các hãng xe khác “lật đổ”.
Vậy BMW M khác biệt gì so với các mẫu xe thường? Lấy ví dụ là một mẫu 3 Series và M3, thì mặc dù nhìn về ngoại hình “có vẻ” như là tương tự nhau, nhưng chỉ có khoảng 30% là dùng chung, còn lại đều là khác biệt.
Hãy lấy BMW 5 Series đời G30 và M5 đời F90 để thử so sánh. Mình sẽ so sánh các mẫu:
- BMW 5 Series bản thường
- BMW 5 Series bản M-Sport
- BMW M550i (thuộc dòng M-Performance Automobiles)
- BMW M5
Đây là bảng so sánh mà mình tự tìm hiểu. Tất cả chỉ là tương đối và không thể đúng 100%, nhưng cũng có thể cho mọi người thấy được một số khác biệt giữa 4 mẫu xe này:
Quay lại về việc dễ phân biệt nhất, đó là ngoại hình của chiếc xe, mình cũng có làm một so sánh nhỏ sau:
Mình đã đánh dấu 14 điểm khác nhau mà nhìn thấy rõ ràng, cụ thể hơn là:
- Lưới tản nhiệt: trên bản base là màu bạc, ở bản M-Sport là màu đen, còn bản M là thiết kế khác hoàn toàn (thanh tản nhiệt kép)
- Cản trước: sự khác nhau rõ ràng
- Fender trước: ở bản M rộng hơn các bản còn lại.
- Vành & phanh: các sự khác biệt rõ ràng ở các phiên bản.
- Phần trang trí ở hông: bản thường và M-Sport và chrome sáng, bản M-Performance là màu dạng matte còn ở bản M đã biến mất.
- Logo M ở bên hông: chỉ bản M-Sport và M-Performance mớ có.
- Xi nhan hông: các bản thường không có, chỉ bản M mới có.
- Gương: bản M-Performance có thiết kế giống bản base và M-Sport, nhưng màu bạc, còn ở bản M thì gương khác hoàn toàn.
- Viền cửa sổ: ở bản M-Performance và M là màu đen, 2 bản còn lại là chrome sáng (đây là một option có thể lựa chọn, kể cả ở bản base)
- Nóc xe: ở bản M là nóc carbon, các bản còn lại thì bình thường.
- Cốp xe: ở bản M-Performance và M5 có đuôi cá nhỏ.
- Cản sau: sự khác nhau rõ ràng.
- Nẹp hông (side skirt): khác nhau rõ ràng.
- Hạ gầm: bản M-Sport, M-Performance và M5 thấp hơn bản base.
Lưu ý rằng, đây chỉ là trên mẫu 5 Series và M5 thôi, còn tùy từng dòng sẽ có các điểm khác biệt khác.
Nếu các bạn tìm hiểu sâu hơn qua các tài liệu mà BMW gọi là “technical training” dành cho các mẫu xe, thì bạn sẽ thấy thêm rất rất nhiều điểm khác nhau giữa BMW M và xe thường. Sau này nếu có dịp mình sẽ chia sẻ các tài liệu đó trên forum. Mình sẽ lấy 1 ví dụ về body-work trên mẫu M3 E92 như ảnh dưới đây:
Những điểm khác biệt lớn về tính năng lái của BMW M và BMW thường
Ngoài những khác biệt về ngoại hình như ở bên trên thì mình cũng sẽ list ra 1 số khác biệt lớn nhất của các mẫu BMW M mà các xe thường không có được. Tất nhiên, ngoài những thứ này thì còn rất rất nhiều thứ khác, nhưng có thể nó quá sâu về kĩ thuật mà ngoài khả năng hiểu biết và diễn giải của mình nên xin phép không đề cập đến.
+ Tùy chỉnh các chế độ lái
Trên các mẫu BMW M mới, lấy ví dụ là M5 F90 (từ 2018) thì BMW có các tùy chỉnh như sau:
- Động cơ: 3 chế độ Efficient, Sport và Sport+, điều chỉnh công suất của động cơ và độ nhạy chân ga.
- Hệ thống treo: 3 chế độ Comfort, Sport và Sport+, điều chỉnh độ cứng mềm của phuộc và hệ thống treo.
- Tay lái: 3 chế độ Comfort, Sport và Sport+, điều chỉnh sự hỗ trợ điện tử dành cho tay lái, hay BMW còn gọi chức năng này là M Servotronic. Càng để chế độ thể thao, tay lái càng nặng và chính xác hơn.
- Tốc độ sang số: chỉnh 2 chế độ D (tự động) và S (sang số tay), 3 chế độ 1, 2, 3 tương đương với việc sang số nhanh hay chậm. Ví dụ ở chế độ 1, cứ 10km/h thì sẽ tăng 1 số, ở chế độ 2 là 15km/h sang 1 số và chế độ 3 là 20km/h sang 1 số.
- DSC (Dynamic Stability Control): có 3 chế độ DSC ON, MDM (M Dynamic Mode) và DSC Off. Chế độ này chủ yếu là điều chỉnh sự can thiệp điện tử vào độ bám đường và khi vào cua.
Toàn bộ các chế độ này đều được điều chỉnh tại cụm nút trung tâm xung quanh cần số như trong ảnh dưới:
Việc đặt riêng lẻ các tùy chọn này làm trải nghiệm trên những chiếc BMW M tuyệt vời hơn bao giờ hết và đó là một lợi thế của các mẫu M so với đối thủ cạnh tranh. Trên một số mẫu xe high-performance của các hãng khác, bạn có thể điều chỉnh các thông số này nhưng thường thì phải vào sâu bên trong hệ điều khiển trung tâm của xe, hoặc chỉ có vài chế độ tổng thể (ví dụ Comfort, Sport hoặc Sport+ dành cho cả xe chứ không riêng lẻ).
Hãy tưởng tượng khi đi trong phố, bạn muốn giữ động cơ ở mức EFFICENT cho đỡ bị “chồm chồm”, phuộc ở mức COMFORT cho đỡ cứng nhưng muốn tay lái ở mức SPORT cho chắc tay. Hay khi trên cao tốc, bạn muốn đặt động cơ ở mức SPORT+ chạy cho phê, tay lái ở mức SPORT và phuộc ở chế độ SPORT. Tất cả đều có thể chỉ với một vài thao tác rất nhanh.
+ CÁC PHÍM TẮT M1, M2 ĐẶT SẴN CHẾ ĐỘ LÁI BẠN MUỐN
Đây quả thực là một chức năng tuyệt vời của BMW M mà mình cũng đã có cơ hội trải nghiệm trên chiếc M6 Gran Coupe. Các kĩ sư của BMW đã “chiều lòng” khách hàng của mình đến mức đặt ở trên vô lăng 2 phím tắt kí hiệu là M1 và M2. Các phím này có chức năng “nhớ” chế độ lái mà người lái đặt sẵn, và kích hoạt chỉ với một nút bấm.
Ok hãy xem xem người lái có thể đặt những gì vào 2 phím này:
- Động cơ: 3 chế độ Efficient, Sport và Sport+
- Phuộc: 3 chế độ Comfort, Sport và Sport+
- Tay lái: 3 chế độ Comfort, Sport và Sport+
- DSC: 3 chế độ DSC ON, MDM và DSC OFF
- Tốc độ sang số: S1, S2, S3 hoặc D
- HUD (head-up display): 2 chế độ thường hoặc M Display
- M xDrive (trên mẫu M5): 3 chế độ 4WD, 4WD Sport và 2WD.
Vậy là 7 chế độ với 21 tùy chọn khác nhau, tương đương với hàng trăm trường hợp mà khách hàng có thể tự đặt! Cá nhân mình thì hay sử dụng 2 nút này như sau:
- M1: toàn bộ là chế độ nhẹ nhàng, sang số tự động … để đi trong phố
- M2: động cơ Sport+, tay lái và phuộc Sport, DSC ON (tất nhiên, vì mình ko biết drift), tốc độ sang số S2, M HUD Display … để chạy trên cao tốc.
Và còn gì tuyệt vời hơn khi chiếc xe của bạn “biến hình” từ một xe đi phố sang 1 chiếc xe đua chỉ với 1 nút bấm trên vô lăng? Thậm chí bạn còn không phải rời tay ra khỏi vô lăng nữa . Đó là một trải nghiệm thực sự đáng giá trên những chiếc M.
Có một điểm khá tiện lợi, là bạn có thể đặt chế độ lái hiện tại vào phím tắt mà không phải qua màn hình iDrive, bằng cách giữ nút M1 hoặc M2 trong khoảng vài giây. Chiếc xe sẽ tự động thêm chế độ lái mà bạn đang sử dụng trên xe vào luôn phím tắt đó.
+ Màn hình HUD (Head Up Display) đặc biệt trên BMW M
Không giống như các mẫu xe thường, mà HUD trên các mẫu M có thêm các hiển thị khá bắt mắt. Nó sẽ chiếu lên kính lái những thông tin như: tốc độ xe đang chạy, hộp số đang ở số bao nhiêu và vòng tua.
Và bạn biết không, khi đang tập trung lái, nhất là đang ở “race mode” mà lại phải cúi xuống nhìn đồng hồ xem vòng tua thế nào, tốc độ bao nhiêu thì quả thật là gián đoạn mất sự hưng phấn . Một điểm thú vị là HUD hiển thị vòng tua và nó sẽ báo bằng dải màu xanh và đỏ, khi vòng tua lên cao sẽ hiện lên màu đỏ và nháy nháy, báo hiệu người lái nên sang số, tránh việc để lên red line quá lâu và ảnh hưởng đến xe.
Một câu chuyện vui, là có lần mình mượn chiếc BMW M2 Coupe của anh bạn để chạy thử. Chiếc M2 thì không có HUD, nên mình đang chạy thử và hốt hoảng khi thấy chiếc xe đã lên 150km/h từ bao giờ , thật là nguy quá nguy quá
Thật sự mà nói, nếu 1 chiếc M mà thiếu option HUD, thì người lái đã mất đi 50% trải nghiệm rồi . Đây cũng là một điều mà BMW M đi trước các đối thủ cạnh tranh khác.
CÁC PHIÊN BẢN BMW M
Hiện nay BMW đang xây dựng lại cấp bậc cho các mẫu xe của mình, và đây là một thông tin khá thú vị mình đọc được:
Nhìn ảnh trên, chúng ta có thể thấy riêng trong các model M, BMW đã chia thành 4 cấp:
- BMW M thường: dành cho chạy hàng ngày + đua khi cần thiết
- BMW M phiên bản Competition: dành cho chạy hàng ngày + đua, nhưng hiệu năng được nâng lên hơn 1 bậc so với các bản M thường
- BMW M phiên bản CS: tập trung nhiều hơn cho việc đua
- BMW M phiên bản CSL: sinh ra chỉ để dành cho đua!
Vậy là đã rất rõ ràng cho từng level của BMW M rồi đúng không? Với mỗi một cấp cao hơn, ngoài việc nâng cấp tính năng lái thì BMW còn đặt vào đó một số thứ “độc” mà chỉ phiên bản đó mới có. Ví dụ như ở mẫu BMW M4 CS, đó là dàn đèn hậu OLED đẹp tuyệt vời mà khiến những người đang sở hữu BMW M4 bản thường như @Khanh Le thổn thức, đứng ngồi không yên . Bản thân mình cũng cảm thấy khá háo hức chờ đợi các bản CS hay CSL của các mẫu M để xem BMW sẽ làm gì với chúng.
Các bạn nhìn M4 CS có thấy mê mẩn không? Đó là chưa nói đến performance của mẫu xe này được các tờ báo lớn đánh giá là rất đỉnh đấy nhé.
Theo BMWclub.vn ( tác giả: Phongvt)